Hệ thống tự nhận dạng mục tiêu trên biển AIS

18/12/2016 11:48:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Canhsatbien.vn) - An toàn giao thông trên biển luôn là niềm mong mỏi của mỗi con tàu, mỗi thuyền viên. Nhiều hệ thống, thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin đã được sản xuất, thiết kế nhằm nâng cao tính an toàn và hiệu quả cho con người cũng như phương tiện hoạt động trên biển. Một trong số đó là hệ thống tự động nhận dạng mục tiêu trên biển AIS.

 

Mô hình hệ thống AIS.

Những năm gần đây, các tàu Cảnh sát biển khi đóng mới đều được trang bị hệ thống tự động nhận dạng mục tiêu trên biển AIS (Automatically Identification System). Thực tế trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và duy trì thực thi pháp luật trên biển, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các tàu CSB đã được tăng lên một cách rõ rệt khi hệ thống AIS làm việc tích hợp với hệ thống Radar trinh sát trên tàu. Vì thế, chúng ta cần nghiên cứu, huấn luyện để nâng cao khả năng khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống này khi tàu hoạt động trên biển, nhằm góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trước hết chúng ta cần hiểu hệ thống AIS là gì?

AIS là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Những thông tin này giúp các phương tiện khi hành hải tránh bị va chạm với nhau, ngoài ra có thể trao đổi các thông tin như trợ giúp khi có sự cố, thông tin thời tiết... Khi kết hợp AIS với một thiết bị thông tin liên lạc khác, AIS còn được ứng dụng trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Theo Quy định 19 đoạn 2.4 chương 5 của công ước SOLAS 1974-88 (Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng trên biển), yêu cầu tất cả các tàu trên 300 tấn dung tích trở lên chạy tuyến quốc tế, tất cả tàu hàng 500 tấn dung tích trở lên chạy tuyến quốc tế và tất cả các tàu khách không kể kích thước phải lắp đặt hệ thống tự động nhận dạng AIS. Hiện nay hệ thống AIS đang được áp dụng rộng rãi trong ngành hàng hải. Đây là Hệ thống thời gian thực, tin cậy, được ví như “đôi mắt thần” của thuyền trưởng.

AIS hoạt động theo nguyên tắc cơ bản như thế nào?

AIS dùng công nghệ thông tin truyền giữa các thiết bị trên tàu và đất liền bằng truyền dẫn vệ tinh và trên làn sóng điện dải tần số cực cao VHF, hệ thống hoạt động liên tục 365/365 ngày trong năm 24/24 giờ trong ngày. Các tàu hay các đối tượng hàng hải liên quan được lắp đặt hệ thống AIS sẽ liên tục có chu kỳ phát các thông tin về tàu mình và các thông tin an toàn hàng hải, trao đổi thông tin với các tàu khác hay với các đài trên đất liền được trang bị AIS.

AIS xử lý những thông tin gì?

Trong chế độ tự động liên tục các thông tin được phát quảng bá cứ mỗi 2 phút hoặc nhanh nhất là 10s khi tàu đang chạy hoặc mỗi 3 phút khi tàu đang neo/buộc, bao gồm các thông tin cố định (tĩnh) và các thông tin thay đổi (động), và các thông tin về hành trình:

Thông tin cố định (static data): tên tàu, hô hiệu, mã nhận dạng lưu động hàng hải (MMSI), số IMO (International Maritime Organization), kích thước tàu: chiều dài, bề ngang, loại tàu, vị trí lắp đặt anten GPS trên tàu;

Thông tin động như: vị trí của tàu hiện tại, hướng quay trở, tốc độ quay trở, hướng tàu chạy, trạng thái hàng hải

Các thông số liên quan đến hành trình như: độ sâu mớn nước, loại hàng nguy hiểm (nếu có), cảng đến và thời gian dự định tới, các bản tin liên quan đến an toàn hàng hải và các bản tin khác.

Các thông số cố định được phát đi theo chu kỳ 6 phút hoặc theo yêu cầu, hoặc khi thay đổi. Các thông tin thay đổi được phát theo chu kì phù hợp với tốc độ và sự đổi hướng chạy của tàu. Ví dụ: cảng đích và thời gian dự định tới được phát theo chu kỳ 6 phút, với tàu đang neo, buộc hoặc chạy chậm hơn 3 hải lý/giờ thì phát theo chu kì 3 phút, tàu chạy với tốc độ lớn hơn hoặc bằng 23 hải lý/giờ thì phát theo chu kì 2s.

Người sử dụng AIS có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật thông tin. Mọi thông tin về tàu đều được bảo vệ một cách nghiêm ngặt bởi công nghệ hiện đại, cùng với những qui định của pháp luật về bảo mật thông tin đã được Nhà nước quy định.

Hệ thống AIS có những tác dụng gì đối với các tàu CSB khi thực hiện nhiệm vụ?

Trong hoạt động TTKTKS

Khi hoạt trên các vùng biển, đặc biệt là trên những tuyến hàng hải quốc tế, nếu các tàu hành trình qua lại đều tuân thủ nghiêm công ước SOLAS 1974-88 thì phải mở hệ thống AIS. Nhờ đó, khi Radar trinh sát của chúng ta bắt được các mục tiêu trên màn hình thì các thông tin về mục tiêu sẽ được hiển thị một cách đầy đủ ( nếu các tàu không trang bị hệ thống AIS thì phải tiếp cận mới xác minh được thông tin), căn cứ vào các dữ liệu này để người chỉ huy trên tàu phân tích, đánh giá để đưa ra quyết định có cần phải kiểm tra tàu này hay không. Nếu trên tuyến hàng hải quốc tế mà các tàu không mở hệ thống AIS thì chúng ta có thể xem đây là những mục tiêu cần phải kiểm tra…

Trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn

 Mục đích trang bị hệ thống AIS là nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng của các thuyền viên trên các tàu theo công ước SOLAS. Vì vậy, khi các tàu bị nạn phát đi các thông số của mình thì nhờ hệ thống AIS trên tàu mà chúng ta sẽ thu được vị trí chính xác của tàu bị nạn. Điều này giúp cho các tàu tham gia cứu nạn một cách thuận lợi nhất.

Trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên biển

Qua hệ thống AIS ta biết được tên, số hiệu của một tàu cụ thể trên biển (ngày nay, một số tàu cá cũng đã trang bị hệ thống AIS). Nhờ đó, qua thông tin ta có thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân mà không cần phải đưa người sang tàu cá, do đó giảm thiểu được thời gian và đảm bảo được an toàn khi tổ chức tuyên truyền cho bà con.

Trong việc bảo đảm an toàn hàng hải

Nhờ nhận dạng và liên tục theo dõi (bám vết) hành trình của tàu, các thông tin về hành trình nơi đến, nơi đi sẽ được hệ thống ghi nhận bao gồm cả các thông tin ra vào cảng, hướng dẫn ra vào luồng, phòng tránh đâm va, do có hệ thống cảnh báo khi gặp nguy hiểm có dấu hiệu đâm va giữa các tàu gần nhau hệ thống sẽ tự động đưa ra cảnh báo bằng âm thanh (còi) và cả hình ảnh trên màn hình thiết bị giúp ta nhanh chóng có biện pháp ứng phó kịp thời để không xảy ra mất an toàn hàng hải. Ngoài ra hệ thống còn trợ giúp dẫn đường hành hải, quản lý các thông tin vào ra, trợ giúp thông tin Tìm kiếm cứu nạn, điều tra các sự kiện trên biển. Nhờ kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên biển của tàu thuyền, AIS sẽ góp phần không nhỏ trong khi thực thi pháp luật trên biển.

Tuy nhiên, khi mở hệ thống AIS thì chúng ta cũng dễ bị lộ thông tin của tàu ta. Do đó, phải sử dụng ở chế độ nào và khi nào thì ta sử dụng hệ thống này thì cần phải tiếp tuc nghiên cứu.

Tóm lại, hệ thống AIS trang bị trên các tàu CSB góp phần đáng kể vào hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Vì vậy, trong huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện đội ngũ cán bộ tàu, chúng ta phải chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng khai thác, sử dụng thành thạo các hệ thống này vừa để đảm bảo an toàn cho tàu khi làm nhiệm vụ, vừa để vận dụng trong việc nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ CSB.

Thiếu tá Cao Vũ Long - Hải đội 401/BTL Vùng CSB 4
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan